Chìa khóa để điện ảnh Việt Nam vươn mình
Phú Quang – TPO
TPO – Hội nghị lãnh đạo Điện ảnh Đông Nam Á thuộc khuôn khổ Liên hoan phim quốc tế TPHCM diễn ra vào sáng 8/4 với sự góp mặt của các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực điện ảnh đến từ nhiều quốc gia, đem đến nhiều góc nhìn mới mẻ, bổ ích về tiềm năng và tương lai của điện ảnh Đông Nam Á.
Tại HIFF 2024, giải thưởng Phim Đông Nam Á là hạng mục giải thưởng tiêu điểm nhằm trở thành bệ phóng cho nền điện ảnh khu vực hiện trên đà vươn lên mạnh mẽ và cũng là để tôn vinh tiếng nói độc đáo, bức tranh hóa riêng biệt và những câu chuyện của các nhà làm phim Đông Nam Á.
Do đó, để điện ảnh Đông Nam Á vươn lên, bắt nhịp với toàn cầu, “Hợp tác”, “Kết nối” và “Mở rộng” là những từ khóa mà các chuyên gia tại Hội nghị Lãnh đạo Điện ảnh Đông Nam Á nhấn mạnh nhiều lần trong phiên thảo luận Xây dựng hệ sinh thái điện ảnh bền vững ở Đông Nam Á.
Ông Ed Lejano, giám đốc Liên hoan phim QCinema đến từ Philippines là người kinh nghiệm và kiến thức sâu rộng về điều hành, tổ chức liên hoan phim quốc tế, nhấn mạnh: “Thu nhập trong nền công nghiệp điện ảnh không chỉ dừng lại ở mỗi hoạt động làm phim và phát hành phim. Đó còn là cả một hệ sinh thái với nhiều mảng nghề nghiệp, lĩnh vực, hoạt động liên quan. Điều quan trọng là tất cả phải hỗ trợ, kết nối với nhau để mở rộng phạm trù nhận diện, đưa điện ảnh trở nên gần gũi hơn với mọi mặt cuộc sống”.
Để điện ảnh trở nên gần gũi với cuộc sống, ông Jeremy Segay – Tùy viên Nghe nhìn Khu vực Đông Nam Á thuộc Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam – cho rằng bên cạnh việc xây dựng hệ sinh thái vững bền, vấn đề giáo dục, cho trẻ em tiếp cận điện ảnh từ sớm cũng là một điều nên được nhìn nhận kỹ hơn.
“Tại Pháp, điện ảnh là một phần quan trọng của cuộc sống. Tuổi thơ của tôi cũng như những đứa trẻ Pháp khác, đã sớm được xem nhiều bộ phim. Đồng thời, điện ảnh cũng là một phần nội dung và còn là phương tiện hữu ích của giáo dục. Vì vậy, ngay từ nhỏ, trẻ em Pháp đã hình thành nhận thức về khái niệm điện ảnh, cách làm phim cũng như cách thưởng thức”, ông Jeremy chia sẻ.
Là thị trường điện ảnh lớn nhất Việt Nam và thuộc nhóm hàng đầu khu vực nhưng phải đến nay TP.HCM mới có LHP quốc tế. Sự muộn màng cũng là điểm chung của các nền điện ảnh khác trong khu vực như Indonesia, Malaysia, Philippines, dù cho mỗi nước đều đã có không ít tác phẩm xuất sắc trong quá khứ.
LHP không chỉ là nơi tôn vinh điện ảnh của thành phố, đất nước tổ chức mà còn là dịp để kết nối, giới thiệu nền điện ảnh của các quốc gia lân cận. Thâm nhập thị trường khu vực là điều mà người Thái Lan đã làm rất tốt trong một thời gian dài và từ đó đến nay, họ đã trở thành một trong những cường quốc của điện ảnh thế giới.
Bà Gayatri Nadya Paramytha, đại diện đến từ Jakarta Film Week nhấn mạnh “Hợp tác” chính là yếu tố then chốt để điện ảnh Đông Nam Á vươn mình.
“Các quốc gia Đông Nam Á có sự tương đồng trong văn hóa, cảnh quan, ngoại hình. Đó là một lợi thế lớn để các câu chuyện trên phim dễ dàng tìm thấy điểm chạm với khán giả trong khu vực. Chúng ta đã rất quen thuộc với phim Thái nhưng dường như lại chẳng biết gì về phim ảnh của nhau. Vậy nên ‘Hợp tác’ không chỉ là điều cần thiết mà còn là một vấn đề cấp thiết” – bà Gayatri Nadya Paramytha nói.
Trong khuôn khổ buổi tọa đàm, đại diện LHP San Francisco đã trao tặng Chứng nhận danh dự đến LHP Quốc tế TP.HCM.