TP.HCM cần làm gì để tổ chức liên hoan phim xứng tầm quốc tế?
VOV.VN – Sau Hà Nội, Đà Nẵng, tháng 4/2024, TP.HCM sẽ tổ chức liên hoan phim quốc tế lần đầu tiên. Sự kiện được kỳ vọng sẽ nâng tầm môn “nghệ thuật thứ 7” của TP.HCM nơi có ngành công nghiệp điện ảnh phát triển sông động bậc nhất cả nước. Vậy TP.HCM cần làm gì để chuẩn bị cho sự kiện mang tầm quốc tế này?
Chú trọng vào chất lượng tác phẩm
Đạo diễn, NSND Đào Bá Hà cho rằng, việc có một liên hoan phim quốc tế diễn ra tại TP.HCM là điều đáng mừng, giúp những nhà làm điện ảnh trong nước và thế giới có thêm cơ hội giao lưu, học hỏi. Từ đó, nâng tầm những tác phẩm điện ảnh của Việt Nam.
Tuy nhiên, với một liên hoan phim quốc tế, tiêu chi sẽ khác rất nhiều so với một liên hoan phim quốc gia. Theo NSND Đào Bá Hà, quan trọng nhất của một cuộc thi quốc tế vẫn là tác phẩm dự thi. Những tác phẩm tên tuổi của nước nào mời được họ tham dự là cả một vấn đề, bởi những hãng phim lớn và tác phẩm lớn thường kén chọn liên hoan phim. Đây chính là thách thức lớn đối với Ban tổ chức.
NSND Đào Bá Hà nói: “Chất lượng nhất của liên hoan phim là chất lượng của tác phẩm điện ảnh khi chúng ta trao giải cho nó. Tên tuổi của những tác phẩm, uy tín của những tác phẩm xứng đáng với những giải thưởng được trao. Đó mới làm nên thương hiệu của liên hoan phim. Nếu chúng ta làm tốt năm đầu thì những năm sau thì hy vọng ngày càng tốt lên”.Đạo diễn Charlie Nguyễn, thành viên ban cố vấn Liên hoan phim quốc tế TP.HCM năm 2024 cho biết, khi nhận được lời mời ông cũng khá bất ngờ và không khỏi lo lắng. Đạo diễn này cho hay, sau khi trao đổi, ông nhận thấy ban tổ chức đã có sự chuẩn bị ban đầu kỹ lưỡng, nhất là khâu nghiên cứu về những liên hoan phim trên thế giới cũng như sự thành công thất bại của những mô hình liên hoan đó.
Theo đạo diễn Charlie Nguyễn, một liên hoan phim quốc tế quan trọng là sự kết nối với quốc tế, tạo được sự uy tín từ ban tổ chức trong đó có đội ngũ, kế hoạch chương trình. Hiện nay, để thực hiện một liên hoan phim như thế, đội ngũ ban tổ chức phải được huấn luyện một cách chuyên nghiệp, phải được đào tạo để làm liên hoan phim.
Bên cạnh đó, liên hoan cũng cần làm thật “vừa vặn”, không dàn trải nhưng phải có chất lượng, thu hút được các nhà làm phim quốc tế chứ không chỉ có mỗi nhà làm phim Việt Nam đến chia sẻ, trao giải cho nhau.
Đạo diễn Charlie Nguyễn cho rằng: “Tổ chức làm sao để năm đầu tiên đẹp mắt trong lòng của những người sẽ đến đây, động lòng những nhà làm phim, những nhà sản xuất, những đơn vị nước ngoài khi họ tham dự tham gia trong liên hoan này. Họ có một cái nhìn tích cực và họ thấy được đây là không liên hoan phim mà chúng ta chỉ làm rồi bỏ mà trở thành tiền lệ và truyền thống cho thành phố này”.
Nỗ lực vì một thành phố điện ảnh
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Thuý, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM, Liên hoan phim quốc tế TP.HCM lần này là một sự kiện quan trọng, không chỉ đối với ngành điện ảnh mà còn đối với toàn Thành phố. Đây sẽ là một cơ hội để giới thiệu các tác phẩm điện ảnh Việt Nam có chất lượng và giàu sáng tạo, khẳng định vị thế và uy tín của điện ảnh Việt Nam nói chung và TP.HCM trên bản đồ điện ảnh thế giới.
Luật Điện ảnh sửa đổi năm 2022 mới cho phép các địa phương được tổ chức liên hoan phim, tuần lễ phim không trùng với liên hoan phim quốc gia và liên hoan phim quốc tế Hà Nội. Chính vì vây, Liên hoan phim quốc tế TP.HCM 2024 mới được thực hiện, nơi có nền công nghiệp điện ảnh hết sức sôi động.
“Sinh sau đẻ muộn”, liên hoan phim này xác định bước đầu sẽ vẫn còn nhiều khó khăn. Nhưng TP.HCM cũng đã có sự chuẩn bị từ hơn 2 năm trước. Mới đây, ngày 19/9, HĐND TP.HCM cũng đã chính thức thông qua nghị quyết về các nội dung chi và mức chi cụ thể từ ngân sách nhà nước cho các hoạt động văn hóa nghệ thuật của Thành phố, trong đó có Liên hoan phim quốc tế TP.HCM. Bà Thuý cho biết, đây là lần đầu tiên mà ngân sách nhà nước ở cấp địa phương chi một cách bền vững bằng cơ sở pháp lí rõ ràng. Qua đó cho thấy, TP.HCM cũng đánh giá vai trò của liên hoan phim này rất cao cũng như mục tiêu từng bước xây dựng hệ sinh thái về văn hoá nghệ thuật mang tầm quốc tế của thành phố.
Bà Thuý nói: “Chúng tôi cũng có nhiều áp lực. Chúng tôi cũng có rất nhiều kỳ vọng và đặc biệt là nỗ lực bằng mọi giải pháp mà mình có để có thể thúc đẩy Liên hoan phim không chỉ tổ chức lần này đạt được những đánh giá tích cực mà chúng tôi mong muốn liên hoan phim sẽ duy trì một cách bền vững trong thời gian tới”.
Là một thị trường điện ảnh lớn nhất cả nước, liên hoan phim quốc tế TP.HCM năm 2024 với mục tiêu không chỉ là nơi để các nhà điện ảnh trong và ngoài nước đến giao lưu, học hỏi mà còn là cơ hội để xây dựng tên tuổi, uy tín của liên hoan phim diễn ra tại Việt Nam. Từ đó có thể quảng bá hình ảnh, văn hóa và du lịch của thành phố cũng như điểm đến hấp dẫn về văn hoá và đầu tư.
Nguồn: VOV