TP.HCM dốc sức xây dựng thương hiệu ‘Thành phố điện ảnh’
Lần đầu tiên Liên hoan phim quốc tế TP.HCM được UBND TP.HCM tổ chức, Sở VH-TT TP.HCM chủ trì, với sự phối hợp của Hội Điện ảnh TP.HCM, Đài truyền hình TP.HCM, Trung tâm ca nhạc nhẹ TP.HCM và sự hỗ trợ của Cục Điện ảnh, các cụm rạp lớn tại TP.HCM (VIETFEST tư vấn tổ chức).
Vì sao mãi đến nay TP.HCM mới có một LHP quốc tế ?
Ban tổ chức (BTC) Liên hoan phim (LHP) quốc tế TP.HCM (Ho Chi Minh City International Film Festival, viết tắt HIFF) vừa có buổi họp báo vào tối 20.9 công bố nội dung, lịch trình của “sự kiện điện ảnh được kỳ vọng lớn nhất khu vực Đông Nam Á trong năm 2024”. Theo đó, HIFF 2024 sẽ diễn ra từ ngày 6 – 13.4.2024 tại Nhà hát TP.HCM và khu vực ngoài trời công viên Lam Sơn – cả cung đường Lê Lợi, Q.1, với nhiều hoạt động hấp dẫn và đa dạng. LHP sẽ có 5 hạng mục tranh giải chính và các giải thưởng khác, cùng nhiều hoạt động xung quanh như các hội thảo chuyên đề, triển lãm công nghiệp điện ảnh, cine tour và cine show… với mục tiêu tuần lễ LHP sẽ trở thành những ngày hội thật sự. BTC dự kiến HIFF 2024 sẽ thu hút hàng trăm ngàn người tham dự, trong đó có khoảng 200 nhà làm phim và đạo diễn, diễn viên từ các nước trên thế giới. Ban giám khảo của HIFF 2024 sẽ là những chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực điện ảnh ở châu Âu, châu Á, châu Mỹ và VN (danh sách sẽ công bố vào cuối năm nay).
NSƯT Nguyễn Thị Thanh Thúy (thứ 5 từ trái sang) và các nhà làm phim, cố vấn tổ chức LHP quốc tế TP.HCM
P.M.T
Chia sẻ về lý do mãi đến nay TP.HCM mới có một LHP quốc tế, trong khi đây là thị trường hoạt động điện ảnh sôi động nhất cả nước và được giới điện ảnh mong đợi từ lâu, bên cạnh đó LHP quốc tế Hà Nội (HANIFF) đã tổ chức được 5 lần, LHP châu Á Đà Nẵng vừa diễn ra vào tháng 5, bà Dương Cẩm Thúy, Chủ tịch Hội Điện ảnh TP.HCM, cho biết: “Đề án tổ chức LHP được lên kế hoạch từ năm 2006 – 2007, đã được Thành ủy, UBND TP.HCM chấp thuận, nhưng khi xin phép BộVH-TT-DL thì vướng cơ chế. Phải đến năm nay, khi luật Điện ảnh bổ sung 2022 có hiệu lực từ 1.1.2023 cho phép địa phương tổ chức các LHP quốc tế, LHP chuyên đề, tuần phim…, thì TP.HCM mới có thể tiến hành”.
Tiếp lời bà Cẩm Thúy, NSƯT Nguyễn Thị Thanh Thúy, Phó giám đốc Sở VH-TT TP.HCM, nói: “Để chuẩn bị cho LHP quốc tế đầu tiên này, chúng tôi đã làm việc rất thận trọng, bàn bạc từ hơn 2 năm trước với nhiều thành viên trong ban cố vấn có kinh nghiệm, hiểu biết lĩnh vực điện ảnh cả trong và ngoài nước. Ngày 19.9 vừa qua, HĐND TP.HCM đã chính thức thông qua nghị quyết về các nội dung chi và mức chi cụ thể từ ngân sách nhà nước cho các hoạt động văn hóa nghệ thuật của TP.HCM, trong đó có LHP quốc tế TP.HCM. Dù muộn sau 17 năm từ khi có ý định, nhưng chúng tôi vẫn quyết tâm thực hiện và hiện tại mọi thứ đã sẵn sàng. HIFF 2024 là một sự kiện quan trọng, không chỉ đối với ngành điện ảnh mà còn đối với toàn thành phố”.
Hướng tới một “Thành phố điện ảnh” đúng nghĩa tại VN
Trong buổi công bố HIFF lần thứ nhất, NSƯT Nguyễn Thị Thanh Thúy cũng nêu kỳ vọng đưa TP.HCM trở thành “Thành phố điện ảnh” (Film City), gia nhập mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO (UCCN), và “sẽ là một sự kiện có thể quảng bá hình ảnh, văn hóa và du lịch của TP.HCM để trở thành một điểm đến hấp dẫn về văn hóa và đầu tư”. Trước mắt, trong tháng 10 tới, BTC sẽ thực hiện một sự kiện ra mắt và công bố quốc tế HIFF 2024 trong khuôn khổ LHP Busan 2023 diễn ra tại Hàn Quốc.
Để điện ảnh TP.HCM xứng tầm “Thành phố điện ảnh”, các cấp lãnh đạo cũng đã duyệt để tổ chức LHP ngắn TP.HCM lần thứ nhất – năm 2023 (Hội Điện ảnh TP.HCM phối hợp Sở VH-TT, Đài truyền hình TP.HCM thực hiện), sẽ diễn ra từ ngày 27 – 30.10, trong đó có tọa đàm “Sức mạnh của phim ngắn trong thúc đẩy biến đổi, phát triển xã hội tại TP.HCM”. Đây là sự kiện được định hướng tổ chức thường kỳ 2 năm 1 lần với kỳ vọng khuyến khích sáng tạo, phát huy tiềm lực trong làm phim ngắn, tôn vinh tác phẩm có giá trị nghệ thuật, tính nhân văn, thể hiện tinh thần và phẩm chất con người VN và TP.HCM.
Bên cạnh đó, UBND TP.HCM cũng đã duyệt đề án xây dựng phim trường rộng hàng trăm héc ta tại H.Củ Chi để giải quyết những khó khăn về trường quay; lên kế hoạch xây dựng bảo tàng điện ảnh và trung tâm chiếu phim, sản xuất điện ảnh hiện đại nhằm đáp ứng nhu cầu rất lớn của thị trường; xây dựng các đề án phát triển nguồn nhân lực cho lĩnh vực văn hóa, đặc biệt với điện ảnh.
“Thành phố điện ảnh” là khái niệm để chỉ sự kết nối giữa địa phương và nền công nghiệp điện ảnh, và hiện tại đã có nhiều Film City trên thế giới được biết đến như: Los Angeles (Mỹ), Mumbai (Ấn Độ), Rome (Ý)… Với cơ sở vật chất, hạ tầng còn yếu kém là các nhà hát nhỏ và cũ như hiện tại, lãnh đạo TP.HCM cho biết đã bắt đầu kế hoạch xây dựng mới nhằm phục vụ cho LHP quốc tế TP.HCM diễn ra thường niên, để sau sự kiện LHP thì nơi đó vẫn luôn là một điểm du lịch thu hút, như nơi tổ chức LHP Busan – Hàn Quốc. Diễn viên – nhà sản xuất Trương Ngọc Ánh nhận định với bước ngoặt LHP quốc tế TP.HCM được tổ chức, chắc chắn sẽ tạo nên sự sôi động, sức sống mới cho điện ảnh TP.HCM và hy vọng HIFF là khởi đầu tốt đẹp cho các sự kiện điện ảnh phong phú sau này.
Bà Nguyễn Thị Thanh Thúy chia sẻ thêm thông tin sẽ có các giải chưa từng có tại LHP hay lễ trao giải điện ảnh nào tại VN, như giải thưởng Phim về đề tài TP.HCM dành cho các bộ phim có nội dung, bối cảnh tại TP.HCM cũng như do chính công dân TP.HCM làm nên. Đây là nét riêng của LHP quốc tế TP.HCM so với các LHP quốc tế khác đã có, hướng tới phong cách riêng bằng yếu tố bản địa. “TP.HCM là nơi có bề dày lịch sử, văn hóa, tiếp biến văn hóa liên tục, nhưng vẫn là địa phương có đặc trưng văn hóa phương Nam. Do đó, HIFF sẽ trân trọng các dòng văn hóa, các khuynh hướng làm phim, tôn chỉ nghệ thuật của các nhà làm phim, tạo điều kiện thêm cho dòng phim độc lập có sân chơi”, bà Thanh Thúy nói.
Nguồn: Báo Thanh Niên