Ông Kim Dong-ho và ông Jeremy Segay chia sẻ những bài học điện ảnh từ Hàn Quốc và Pháp với người yêu điện ảnh Việt
Tại buổi toạ đàm “Phát triển Điện ảnh trở thành ngành công nghiệp văn hóa, bài học từ Hàn Quốc và Pháp” diễn ra tối 16.11, đạo diễn Vinh Sơn – cố vấn nghệ thuật của Liên hoan phim Quốc tế TPHCM (HIFF) cho biết: “Nhiều phim nghệ thuật thắng giải ở Liên hoan phim nhưng thất thu phòng vé Việt”.
Buổi Tọa đàm Phát triển Điện ảnh trở thành ngành công nghiệp văn hóa, bài học từ Hàn Quốc và Pháp ở TPHCM có sự tham gia của ông Kim Dong-ho – Nhà sáng lập, Cựu chủ tịch LHP Quốc tế Busan, Chủ tịch danh dự của HIFF và ông Jeremy Segay – Tùy viên Nghe nhìn Khu vực Đông Nam Á tại Đại sứ quán Pháp ở Việt Nam, thành viên Ban cố vấn HIFF.
Tọa đàm cũng có sự góp mặt của bà Nguyễn Thị Thanh Thúy – Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM, đạo diễn Vinh Sơn – cố vấn nghệ thuật của Liên hoan phim Quốc tế TPHCM
Tại sự kiện, ông Kim Dong-ho đã chia sẻ trong 5 năm vừa qua, ngành công nghiệp Hàn Quốc đã phát triển như thế nào, thông qua những minh chứng như bộ phim Ký sinh trùng, Trò chơi con mực đã đạt được nhiều giải thưởng danh giá.
Ông cho biết: “Liên hoan phim Quốc tế Busan đã tôn vinh những tác phẩm nổi tiếng trong gần 30 năm qua, từ đó nhiều tác phẩm điện ảnh đã được phổ biến rộng rãi cho khán giả cũng như thị trường điện ảnh. Điều đó cho thấy tầm quan trọng của một Liên hoan phim Quốc tế đối với thị trường điện ảnh của một đất nước”.
Tiếp đó, ông Jeremy Segay đã chia sẻ những thông tin lạc quan về điện ảnh Việt Nam trên thị trường điện ảnh thế giới. Ông cho biết tại Pháp, bộ phim Bên trong Vỏ kén vàng đã bán được 50.000 vé vì bộ phim đã gây được sự chú ý khi được trình chiếu và giành giải thưởng danh giá tại Liên hoan phim Cannes.
Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của HIFF vì hiện tại, những nhà làm phim Quốc tế đang rất nóng lòng được gặp những nhà làm phim Việt Nam. Đây là dịp đặc biệt để giới thiệu những bộ phim trong nước đến bạn bè quốc tế. Đồng thời, Liên hoan phim Quốc tế sẽ thúc đẩy những chính sách để phát triển điện ảnh.
Ông Jeremy Segay nhấn mạnh tầm quan trọng của Hội chợ Phim trong một Liên hoan phim Quốc tế. Đó sẽ là không gian cho những hoạt động kết nối và đồng thời giới thiệu quảng bá TPHCM như một điểm đến thân thiện tới những nhà làm phim quốc tế.
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Thúy, điện ảnh và các ngành công nghiệp văn hóa còn phụ thuộc vào ngân sách, đối mặt với các vấn đề thu nhập thấp, thiếu các kỹ năng quản lý và kinh doanh, công nghệ số hóa chưa được ứng dụng rộng.
Các chuyên gia đưa ra nhiều giải pháp giúp phát triển nền công nghiệp điện ảnh TPHCM. Ông Kim Dong-ho nói các liên hoan phim trong nước phải thu hút nhà làm phim trẻ, cần tập trung vào việc đào tạo và hỗ trợ phát triển.
Đạo diễn Vinh Sơn cho biết: “Những phim mang tính nghệ thuật đạt giải thưởng ở các Liên hoan phim nhưng thất thu ở phòng vé Việt Nam. Trong đó, điển hình là phim “Tro tàn rực rỡ” của Bùi Thạc Chuyên. Vậy nên, tạo cho các nhà làm phim băn khoăn không biết làm sao có thể lấy lại vốn và tiếp tục sản xuất.
Đó là lý do có sự khác biệt của khán giả phim thương mại và nghệ thuật. Ở nước ngoài cũng vậy, nhưng tại Việt Nam sự khác biệt về lượng khán giả này quá lớn, khiến nhà làm phim nghệ thuật chỉ có một lượng khán giả nhỏ nhoi. Vậy nên, ở Liên hoan phim quốc tế TPHCM, tôi kì vọng sẽ thúc đẩy và khép dần lại sự khác biệt đó để khán giả thưởng thức được những tác phẩm mới, hương vị mới. Tôi hi vọng đây là cơ hội để các nhà làm phim học hỏi, trao đổi, tìm nguồn lực hỗ trợ cho mình sản xuất.
Các nhà làm phim, các sinh viên yêu phim có thể tìm được ngôn ngữ điện ảnh mới, diễn đạt để dần dần khép lại doanh thu giữa phim nghệ thuật và thương mại”.
Lễ khai mạc và trao giải Liên hoan phim quốc tế TPHCM sẽ diễn ra vào ngày 6 và 13.4.2024 tại Nhà hát Thành phố, khu vực Công viên Lam Sơn, Quận 1, do UBND TPHCM tổ chức, Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM chủ trì, phối hợp các ban ngành. Sự kiện dự kiến gồm năm hạng mục tranh giải chính và các giải thưởng, dự kiến quy tụ 200 nghệ sĩ nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ.
Nguồn: Sai Gon Choice