Phát triển công nghiệp điện ảnh: Nhiều thuận lợi, lắm thách thức
Có nhiều lợi thế so với các ngành khác trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa, nhưng để điện ảnh đạt đến mục tiêu như kỳ vọng cả về thế và lực còn rất nhiều điều phải làm.
Chiều 16-11, tại rạp Galaxy Nguyễn Du (quận 1, TPHCM) đã diễn ra hội thảo “Phát triển điện ảnh thành ngành công nghiệp văn hóa và kinh nghiệm từ Hàn Quốc và Pháp”. Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ Liên hoan phim Quốc tế TPHCM (HIFF) sẽ được tổ chức lần đầu tiên vào tháng 4-2024.
Sự kiện có sự tham gia của ông Kim Dong-ho, nhà sáng lập LHP Busan, Chủ tịch danh dự HIFF và ông Jeremy Segay – Tùy viên nghe nhìn, Đại sứ quán Pháp tại khu vực Đông Nam Á, cùng cộng đồng điện ảnh TPHCM.
Tại buổi hội thảo, hai vị diễn giả đã có những chia sẻ chân thành về quá trình phát triển nền công nghiệp điện ảnh tại 2 nước Hàn Quốc và Pháp cũng như quan điểm, bài học kinh nghiệm dành cho nền điện ảnh Việt Nam, đặc biệt khi HIFF sẽ được tổ chức lần đầu vào năm 2024. Đây là sự kiện quan trọng được kỳ vọng đánh dấu bước tiến vượt bậc của công nghiệp điện ảnh Việt Nam.
Tại sự kiện, bà Nguyễn Thị Thanh Thúy, Phó Giám đốc Sở VH-TT TPHCM, đã chia sẻ về hiện trạng và đề án phát triển ngành công nghiệp điện ảnh tại TPHCM. Trong đó, bà nhấn mạnh đến những thành quả nổi bật, cơ hội và thách thức mà điện ảnh Việt đang phải đối mặt, như: công tác phát hành phim; vấn đề vi phạm bản quyền và công tác bảo hộ quyền tác giả; xã hội hóa điện ảnh nhằm xây dựng một môi trường lành mạnh; cách thức hỗ trợ, tạo cơ hội cho các nhà làm phim trẻ được tự do phát huy tài năng, sức sáng tạo qua các tác phẩm của mình. Đồng thời, bà Thanh Thúy cũng đề cập đến một số giải pháp chính, chú trọng đến xây dựng và đầu tư thiết chế văn hóa, cơ chế bảo vệ điện ảnh, quỹ hỗ trợ các nguồn lực trẻ, kêu gọi đầu tư và tăng cường hợp tác quốc tế trong bối cảnh toàn cầu hóa.
Tại hội thảo, ông Kim Dong-ho, Chủ tịch danh dự của HIFF 2024, đã có những chia sẻ về quá trình phát triển của công nghiệp điện ảnh Hàn Quốc trong vòng 50 năm qua với nhiều bộ phim ghi dấu ấn mạnh mẽ trên thị trường phim quốc tế như Ký sinh trùng, Trò chơi con mực…
“LHP Quốc tế TPHCM diễn ra vào năm sau là một sự kiện mà tôi tin chắc sẽ thành công như LHP Quốc tế Busan”, ông Kim Dong-ho khẳng định.
Khi được hỏi về cách thúc đẩy các nhà làm phim trẻ tại Việt Nam, ông Kim Dong-ho cho biết, vấn đề chọn thể loại phim là một điều rất quan trọng. Cần có chương trình cụ thể để tạo cơ hội cho các bạn tham gia sáng tạo và lựa chọn kỹ càng tác phẩm, phương pháp phù hợp để tiếp cận gần hơn với công chúng.
Cũng tại hội thảo, ông Jeremy Segay, Tùy viên nghe nhìn, Đại sứ quán Pháp tại khu vực Đông Nam Á, đã dành lời khen ngợi cho các bước tiến vượt bậc của điện ảnh Việt Nam trong xử lý hậu kỳ, áp dụng kỹ xảo, hiệu ứng. Ông cho biết, HIFF 2024 là cơ hội đặc biệt để giới thiệu văn hóa phim ảnh Việt đến với bạn bè quốc tế. Đây cũng là dịp để người dân TPHCM tiếp cận nhiều hơn với điện ảnh thế giới.
Đồng thời, ông Jeremy cũng đã nêu lên một vài thiếu sót của điện ảnh Việt và đề xuất một vài biện pháp cho công tác cải thiện, khắc phục những khuyết điểm đó. Cụ thể, theo ông rất cần thiết thiết lập hội đồng phim, nơi sẽ cung cấp cơ sở dữ liệu các địa điểm làm phim để các nhà sản xuất có thể tham khảo và thu hút những nhà làm phim thế giới; cũng như một cách giới thiệu TPHCM là điểm làm phim lý tưởng.
Tham dự hội thảo, đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn bộc bạch, sự cách biệt giữa khán giả của phim thương mại và phim nghệ thuật quá lớn. Do đó, ông mong muốn HIFF 2024 sắp tới là cơ hội và động lực thúc đẩy rút ngắn khoảng cách đó.
Nguồn: Báo Sài Gòn giải phóng