“Giới trẻ Việt Nam cần ra rạp xem phim nhiều hơn”
Đó là ý kiến của ông Jeremy Segay – Tùy viên Nghe nhìn Khu vực Đông Nam Á của Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam. Ông có nhiều ý kiến đóng góp cho điện ảnh Việt tại hội thảo do HIFF tổ chức.
Chiều 16/11, Liên hoan phim Quốc tế TPHCM (HIFF) tổ chức Hội thảo “Phát triển điện ảnh thành ngành công nghiệp văn hóa: Bài học từ Hàn Quốc và Pháp”.
Chương trình có sự tham gia của ông Nguyễn Tuấn Kiệt – Trưởng phòng Nghệ thuật, Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM (VH&TT TPHCM), bà Nguyễn Thị Thanh Thúy – Phó giám đốc Sở VH&TT TPHCM, ông Kim Dong Ho – Nhà sáng lập LHP Quốc tế Busan, Chủ tịch danh dự của HIFF, ông Jeremy Segay – Tùy viên Nghe nhìn Khu vực Đông Nam Á của Đại sứ quán Pháp ở Việt Nam.
Tại hội thảo, các đại biểu có bài thuyết trình, đề ra thực trạng, nêu giải pháp để phát triển ngành điện ảnh TPHCM nói riêng, Việt Nam nói chung. Chương trình thu hút gần 200 người tham dự là những người yêu điện ảnh tại TPHCM.
Bà Thanh Thúy cho biết chiến lược phát triển ngành văn hóa đã được chính quyền TPHCM nghiên cứu từ lâu. Trong 8 lĩnh vực thuộc ngành văn hóa, điện ảnh chiếm một thị phần quan trọng.
Những năm qua, điện ảnh TPHCM đã đạt được những thành tích đáng ghi nhận, nhiều bộ phim đạt doanh thu hàng trăm tỷ đồng, nhận sự quan tâm đặc biệt từ khán giả.
“TPHCM tự hào là một trong những cái nôi văn hóa của cả nước. Thành phố có hơn 17.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, trong đó có hơn 100 cơ sở kinh doanh ngành phim, 31 cụm rạp. Phim Việt Nam ngày càng khẳng định được sức ảnh hưởng tích cực. Đây là tín hiệu đáng mừng”, bà Thanh Thúy nói.
Bên cạnh đó, vẫn còn những bài toán thách thức giới làm phim về việc vạch ra mục tiêu cụ thể, bước đi chắc chắn trong tương lai để điện ảnh có thể trở thành ngành công nghiệp văn hóa, đóng góp lớn cho kinh tế thành phố.
Trong bài tham luận tại hội thảo, bà Thanh Thúy nêu một số khó khăn mà điện ảnh TPHCM phải đối mặt như vướng mắc về hành lang pháp lý, công tác phát hành phim, tình trạng vi phạm bản quyền, công tác bảo hộ quyền tác giả…
Ngoài ra, chủ trương xã hội hóa điện ảnh của Nhà nước cần phát triển, thực hiện như thế nào cũng là điều mà giới làm phim cần nghiêm túc nhìn nhận.
Theo Phó giám đốc Sở VH&TT TPHCM, ngành văn hóa thành phố có thể thực hiện các giải pháp như: Tăng cường hợp tác, giao lưu quốc tế, xây dựng những sự kiện văn hóa đặc sắc như Liên hoan Âm nhạc Quốc tế HOZO, Lễ hội áo dài…
Ngoài ra, thành phố cần đầu tư cơ sở vật chất, thiết chế văn hóa bởi chưa có những công trình xứng tầm để biểu diễn nghệ thuật quy mô quốc tế.
Bà Thúy cũng cho rằng việc triển khai luật điện ảnh, văn bản luật cần thực hiện hiệu quả hơn, tạo sự chủ động, tăng tính trách nhiệm, khai thác sáng tạo của mỗi địa phương.
Ngành phim thành phố cũng cần thực hiện các dự án hỗ trợ, đầu tư nhiều hơn cho các nhà làm phim trẻ. Chính sách bảo hộ phim Việt như ưu đãi thuế, lãi suất thấp cũng là một giải pháp giúp giới làm phim có động lực phát triển, cống hiến.
Ông Kim Dong Ho – Chủ tịch danh dự của HIFF – cho rằng HIFF là sự kiện vô cùng quan trọng. “TPHCM nên tổ chức những sự kiện như thế này thường niên. Tôi tin HIFF sẽ thành công, tương tự như con đường của LHP Quốc tế Busan. LHP này sẽ đóng góp nhiều cho điện ảnh Việt.
Khi chọn tác phẩm chiếu ở LHP nên chọn nhiều tác phẩm mới, của các đạo diễn trẻ. Từ đó, công chúng mới có thể tiếp cận nhiều hơn”, ông Kim Dong Ho cho hay.
Phát biểu tại hội thảo, ông Jeremy Segay cũng đóng góp nhiều giải pháp từ bài học của điện ảnh Pháp, qua đó kỳ vọng điện ảnh TPHCM có thể trở thành ngành công nghiệp văn hóa.
“Trong các lĩnh vực nghệ thuật, điện ảnh là quan trọng nhất. Tôi ấn tượng với nhiều phim Việt ra rạp những năm qua. Sự phát triển của ngành phim Việt cũng ấn tượng, thể hiện qua các con số như năm 2010, cả nước chỉ có 91 rạp chiếu phim. 10 năm sau, con số này tăng lên 1.100 rạp chiếu phim.
Ở thị trường Đông Nam Á, phim Việt chiếm thị phần lớn nhất. Tôi thấy người Việt rất thích xem phim Việt. Năm nay, phim Bên trong vỏ kén vàng thắng lớn tại LHP Cannes. Tại Pháp, phim đã bán được hơn 50.000 vé dù không có ngôi sao lớn, đạo diễn cũng là tên tuổi mới”, ông Jeremy nói.
Theo ông Jeremy Segay, để điện ảnh phát triển, khâu kiểm duyệt cần được thực hiện linh hoạt hơn. Ngân sách cho điện ảnh cũng là vấn đề cần được các cấp lãnh đạo, cơ quan chức năng và giới làm phim lưu tâm. Ông Jeremy dẫn ví dụ tại Paris, mỗi năm thành phố dành 16 triệu euro để đầu tư phim điện ảnh, 1 triệu euro để đầu tư phim ngắn.
“Điều quan trọng là phải khuyến khích giới trẻ ra rạp. Nhiều trường học tại Pháp khuyến khích học sinh đến rạp phim ít nhất 2 lần/năm. Tôi để ý rằng ở Việt Nam không có nhiều cơ hội xem các tác phẩm phim cũ.
Tôi cho rằng cần có những chương trình tôn vinh di sản điện ảnh, chiếu lại các bộ phim thời xưa. Nhờ đó giới trẻ mới được tiếp xúc với văn hóa phim ảnh, hiểu về các phim kinh điển của Việt Nam lẫn thế giới”, ông Jeremy đưa ra quan điểm.
Trong buổi giao lưu ở hội thảo, đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn cũng đưa ra một số ý kiến đóng góp. Ông nói những năm qua ông trăn trở về sự chênh lệch giữa khán giả phim thương mại và khán giả phim nghệ thuật.
Đạo diễn cho rằng nhiều phim Việt có chất lượng nghệ thuật tốt, được giới chuyên môn công nhận, đoạt các giải thưởng quốc tế, nhưng vẫn thất thu ở phòng vé trong nước. Giới làm phim trăn trở vấn đề làm sao để sản xuất phim có thể lấy lại vốn và tiếp tục sản xuất.
“Khán giả phim thương mại và khán giả phim nghệ thuật ở đâu cũng có, nhưng sự chênh lệch của Việt Nam quá lớn. Với HIFF lần này, tôi tin đây sẽ là nguồn lực khép dần sự khác biệt. LHP sẽ cho khán giả thưởng thức những mùi vị mới, thưởng thức nghệ thuật đích thực.
Đây cũng là cơ hội để chúng ta gặp gỡ, trao đổi, tìm những nguồn lực để sản xuất phim theo mong muốn của mình. Vấn đề bây giờ là làm sao khán giả tới rạp càng đông càng tốt, sự giao lưu học hỏi giữa Việt Nam và quốc tế càng nhiều, làm sao để khi phim Việt thắng giải ở nước ngoài, sẽ có dòng khán giả trong nước xếp hàng chờ đón xem”, đạo diễn cho hay.
HIFF 2024 là LHP quốc tế lần đầu được tổ chức tại TPHCM, dự kiến thu hút sự tham gia của nhiều nhà làm phim, đạo diễn, diễn viên, nhà phê bình và người yêu điện ảnh trong và ngoài nước.
Đây là một trong những hoạt động nằm trong chiến lược của TPHCM nhằm phát triển ngành điện ảnh, nâng cao chất lượng và uy tín của điện ảnh TPHCM.
Theo Đề án phát triển các ngành công nghiệp văn hóa TPHCM được UBND TPHCM phê duyệt hôm 25/10, thành phố có một số mục tiêu cụ thể sau:
Giai đoạn 2021-2025: Tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp văn hóa đạt bình quân khoảng 14%/năm.
Giai đoạn 2026-2030: Tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp văn hóa đạt bình quân khoảng 12%/năm.
Doanh thu các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp khoảng 5,7% GRDP vào năm 2025 và 7,2% GRDP vào năm 2030.
Nguồn: Báo dân trí