TPHCM tiến tới có chính sách bảo hộ phim Việt
Đây là thông tin được bà Nguyễn Thị Thanh Thúy – Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM – đưa ra tại hội thảo “Phát triển điện ảnh thành ngành công nghiệp văn hóa” ngày 16/11.
Nằm trong khuôn khổ các hoạt động hướng tới Liên hoan phim quốc tế TPHCM lần thứ I, chiều ngày 16/11, Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM và công ty Vietfest đã tổ chức hội thảo “Phát triển điện ảnh thành ngành công nghiệp văn hóa”.
Tại sự kiện, bà Nguyễn Thị Thanh Thúy – Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM – đã có những chia sẻ về ngành công nghiệp văn hóa TPHCM, đồng thời nhà sáng lập Liên hoan phim Busan – ông Kim Dong Ho và Tùy viên Khu vực về Phim, Truyền hình, Truyền thanh và Nội dung số của Viện Pháp tại Việt Nam – ông Jeremy Segay cũng đưa ra kinh nghiệm giúp TPHCM phát triển điện ảnh thành ngành công nghiệp văn hóa.
Tại TPHCM, hiện có hơn 17.000 doanh nghiệp trong lĩnh vực văn hóa, trong đó có 873 doanh nghiệp điện ảnh. Đóng góp của điện ảnh vào giá trị sản xuất của ngành văn hóa đạt hơn 3.300 tỉ đồng vào năm 2020, chỉ đứng sau ngành quảng cáo (hơn 18.000 tỉ đồng).
Con số của Cục Thống kê cho thấy đóng góp của ngành công nghiệp văn hóa tại TPHCM chiếm 3,62% GRDP. TPHCM đặt mục tiêu năm 2025, ngành điện ảnh sẽ đạt trên 5.000 tỉ đồng, và gấp đôi vào năm 2030.
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Thúy, TPHCM đã đề ra một số nhóm giải pháp chính để hiến kế đưa điện ảnh thành ngành công nghiệp văn hóa. Chẳng hạn bổ sung vào quy hoạch tổng thể kinh tế xã hội của TPHCM những khu công nghiệp điện ảnh, tăng cường sự gắn kết và đẩy mạnh liên kết vùng giữa TPHCM với miền Tây và Đông Nam Bộ, đẩy mạnh hợp tác quốc tế, xây dựng thương hiệu trọng tâm đặc sắc cho TPHCM, đầu tư vào hệ thống thiết chế văn hóa, hỗ trợ cho những nhà làm phim trẻ và đầu tư nhiều hơn cho dự án phim của người trẻ, tham mưu những đề án và cơ chế để hình thành quỹ phát triển điện ảnh.
Đặc biệt bà nhấn mạnh: “Một trong những giải pháp cuối cùng là nghiên cứu xây dựng những cơ chế đặc thù về chính sách bảo hộ điện ảnh Việt để phát triển hoạt động sản xuất phim Việt Nam, ưu tiên cho việc chiếu phim Việt, ưu tiên thu thuế ở mức thấp đối với phim Việt Nam, có những chính sách chế độ ưu đãi thuế hoặc lãi suất thấp cho những nhà làm phim Việt, để tạo cơ chế khuyến khích, tạo động lực phát triển cho điện ảnh trong tương lai”.
Dịp này, ông Jeremy Segay đã chia sẻ kinh nghiệm để nước Pháp đưa điện ảnh phát triển thành ngành công nghiệp văn hóa, như khuyến khích học sinh đến rạp xem phim, tổ chức những địa điểm chiếu phim cũ, lập bản đồ các công ty làm phim…
Ông Kim Dong Ho hiến kế TPHCM nên chọn một mùa trong năm để tạo thành mùa lễ hội cho điện ảnh, như cách Liên hoan phim Busan đã làm, vì sự kiện điện ảnh sẽ giúp thúc đẩy kinh tế địa phương, tạo ra ảnh hưởng đến sự chuyên nghiệp của các ngành khác của thành phố.
Nguồn: Báo Phụ Nữ